Những trường hợp không phải nộp và đối tượng được miễn án phí, tạm ứng án phí.

Những trường hợp không phải nộp và đối tượng được miễn án phí, tạm ứng án phí.
Một trong những vướng mắc lớn nhất của một người khi khởi kiện 1 vụ án dân sự , hành chính hoặc hình sự đó chính là án phí và tạm ứng án phí. Trên thực tiễn, nhiều trường hợp mà đương sự không biết rằng mình thuộc trường hợp được miễn án phí hoặc tạm ứng án phí tỏ ra chần chừ trong việc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.



Án phí là gì?

Theo 1 cách đơn giản, án phí được hiểu là một khoản tiền phải đóng cho Tòa án để Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu.

Tạm ứng án phí là gì?

Về mặt bản chất, tạm ứng án phí là một khoản tiền đặt cọc trước của án phí cho Tòa án để sau đó Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu.

Trường hợp nào thì không phải nộp án phí?

Theo Điều 10 Pháp lệnh 10/2009, những trường hợp sau không phải nộp tạm ứng án phí, án phí:
- Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cư đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước;
- Cơ quan, tổ chức như trên kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp nào được miễn nộp án phí?

Theo Điều 11 Pháp lệnh 10/2009, những trường hợp sau được miễn nộp tạm ứng phí, án phí:
- Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng.
- Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề về bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên , con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; 
- Người khiến kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh.
- Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ. 
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Cá nhân, hộ gia đình nào được xem là thuộc diện nghèo?

Theo Quyết định 09/2011/ QĐ-TTg thì:
1. Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.
2. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.
3. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
4. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Đây là tiêu chuẩn hộ nghèo được áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào thay thế văn bản này nên văn bản này vẫn có hiệu lực áp dụng trên thực tế.


Read More

Vụ việc của nghệ sĩ Minh Béo và vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Vụ việc của nghệ sĩ Minh Béo và vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Vụ việc nghệ sĩ Minh Béo bị cơ quan có thẩm quyền của Mỹ bắt giữ và bị tạm giam đang trở thành một đề tài nóng bỏng. Tuy vậy, chúng ta không nên phán xét việc nghệ sĩ Hồng Quang Minh (tên thật của nghệ sĩ Minh Béo) có thật sự vi phạm pháp luật Hoa Kỳ hay không mà điều đầu tiên chúng ta nên quan tâm đó là việc Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đóng vai trò như thế nào trong vụ việc này dưới góc độ pháp luật quốc tế.




Việt Nam và Hoa Kỳ tính cho đến thời điểm này vẫn chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp nào về vấn đề hình sự hay hiệp định song phương nào về bảo hộ công dân. Do đó, cơ sở pháp lý duy nhất có thể sử dụng đối với vụ việc của  nghệ sĩ Minh Béo nói riêng hoặc các vụ việc tương tự khác mà công dân Việt Nam vướng phải trong quá trình sinh sống và làm việc tại Mỹ sẽ chịu sự điều chỉnh của Điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề này mà Việt Nam cũng như Hoa Kỳ là thành viên. 

Như vậy, có thể thấy rằng, việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Mỹ chỉ có thể được điều chỉnh bởi những nguyên tắc chung nhất của Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự. Theo đó, nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trên lãnh thổ Hoa Kỳ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giúp đỡ công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ trong phạm vi của pháp luật quốc tế

Trường hợp của nghệ sĩ Minh Béo, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ hỗ trợ Minh béo trong việc chọn lựa luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Minh Béo (bản thân nghệ sĩ Minh Béo và gia đình sẽ phải tự lo chi phí thuê luật sư thông qua hợp đồng thuê), hỗ trợ về thông tin liên lạc giữa Minh Béo và gia đình hoặc các tổ chức tại Việt Nam, can thiệp khi có sự vi phạm về nhân quyền trong quá trình bắt giữ, tạm giam.

Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng một trong những nguyên tắc cốt lõi của pháp luật quốc tế là mọi biện pháp bảo hộ công dân sẽ được giới hạn trong những điều ước quốc tế song phương và đa phương mà các bên là thành viên hoặc những tập quán quốc tế về bảo hộ công dân. Như đã đề cập ở trên, Việt Nam và Hoa Kỳ lại không có điều ước quốc tế song phương nào điều chỉnh cụ thể về vấn đề này, do đó, việc bảo hộ cho Minh Béo nhìn chung sẽ không có nhiều hiệu quả khi chỉ có thể căn cứ vào những nguyên tắc chung nhất của việc bảo hộ công dân.

Vậy nên, có thể nói rằng, mặc dù Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ chắc chắn sẽ hỗ trợ tối đa cho nghệ sĩ Minh Béo, nhưng với việc thiếu đi những cơ sở pháp lý cụ thể trong vấn đề bảo hộ, nghệ sĩ Minh Béo chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiến hành các thủ tục tư pháp theo pháp luật Hoa Kỳ.


Read More