Họ - những con người Sài Gòn đã làm gì?
Vâng, họ giúp nhau bất kể thời gian và không gian.
Vụ cháy lớn đã thiêu rụi tất cả những giá trị vật chất sẵn có nhưng đâu thể thiêu rụi giá trị tinh thần, giá trị của tình người. Sau vụ cháy, ta bắt gặp hình ảnh của đám đàn ông trai tráng của khu cầu Ông Lãnh, ai cũng ướt nhẹp mồ hôi vì chạy đi chạy lại thu gom những thứ còn sót. Đó là hình ảnh đi cà nhắc của các anh vì giẫm trúng lửa trong lúc thu dọn tàn cuộc. Họ không để ý đến vết bỏng của bản thân nữa, trong lòng họ chỉ còn một ý niệm là phải xúm vào dập lửa, phải khẩn trương khiêng đồ đạc quý giá ra để có thể sinh tồn sau vụ hỏa hoạn.
Tại sao họ lại giúp nhau bất kể mọi thứ như vậy?
Có lẽ họ hiểu được chữ đoàn kết quan trọng thế nào. Dẫu cho có khó khăn thì chỉ cần đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại thì mọi chuyện đều sẽ qua – đó là sự thấu hiểu nhau giữa những con người nơi đây. Trong hoạn nạn, lòng tốt đã sinh sôi nảy nở đến cùng cực bởi lẽ ký ức về những lần chạy cháy đó đã ám ảnh sâu trong lòng họ khiến họ thấy được sống và được yêu thương là một điều thật quý giá.
Hãy cùng nghe lại người dân nơi đây đã nói gì để cùng hiểu hơn về họ.
Miệng đang húp vội tô cháo, anh Tùng, nhà kế dãy nhà cháy, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hồi chiều, khi đang đi giao cá cho khách thì mẹ tui hốt hoảng gọi điện bảo ở gần nhà có cháy. Tui phóng xe như điên, về nhà liền vội cùng đám đàn ông xông vào chữa cháy. Nói thiệt, lúc đó tui chả suy nghĩ gì nhiều, cứ bất chấp để vào phụ cứu người, cứu tài sản thôi”.
“Tui làm nghề nuôi cá kiểng, cúp điện từ hồi chiều không biết đám cá có bị sao không nữa. Nãy giờ phụ dập lửa nên quên luôn, để ăn xong tô cháo, tui sang nhà kế bên nối dây điện để truyền oxy cho cá. Loạng choạng là mất hết, cả mấy chục triệu chứ chẳng chơi…”, anh Tùng sực nhớ.
Giúp đỡ nhau bằng tấm lòng chân thành, bằng tình người cao cả.
Sau khi bị “giặc lửa” hoành hành, cả dãy phố của khu chợ Ông Lãnh tối mịt. Tất cả các đường dây điện đều bị cháy cả. Nhiều người đã khóc vì nhà cửa đã bị thiêu rụi, sự đau buồn như chìm vào trong bóng tối. Bỗng dưng, họ trở thành những người vô gia cư, vô tài sản. Hình ảnh hàng xóm cùng nhau khiêng ghế, khiêng võng ra ngoài vỉa hè ngồi nói chuyện, động viên nhau thật là vị nhân sinh. Trong bóng tối, tình người vẫn lan tỏa, họ an ủi nhau dù tình cảm đều trớ trêu như nhau.
Đã từng buôn bán, gắn bó ở khu chợ Ông Lãnh mấy chục năm qua, cô Lê Thị Ánh Tuyết (ngụ đường Đề Thám, quận 1), lòng cứ đau nhói khi nơi xóm cũ gặp nạn. “Khi hay tin, tôi bỏ luôn việc buôn bán ở nhà để chạy xuống. Buồn, thương bà con mình lắm… Tôi là đàn bà phụ nữ, sức yếu nên không phụ dập lửa được. Thấy mọi người mệt, đuối sức nên tôi lật đật đi mua 100 hộp cơm để tiếp chút sức lực”.
Rồi đây, những ngọn đèn thắp lên trong mấy sạp hàng của khu chợ này vẫn le lói giữa trung tâm Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt. Ngọn đèn vẫn sáng leo lét như cuộc đời người lao động nghèo khổ. Thế nhưng, chúng ta vẫn tin rằng họ sẽ vượt qua được vì cái tình nghĩa con người Sài Gòn vẫn đong đầy, sẽ có nhiều người đến giúp họ vượt qua nỗi đau này. Nếu bạn có điều kiện, hãy đến và san sẻ cùng họ.
Sài Gòn vẫn luôn đậm chất hào sảng và nghĩa tình Nam Bộ. Văn minh và tình nghĩa, mãi như vậy nhé Sài Gòn. Hãy giữ mãi cái tình người đáng quý ấy.