Ngày 25/11/2015, Quốc hội thông qua Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13. Luật phí và lệ phí 2015 quy định chi tiết về một vấn đề như: nguyên tắc xác định mức thu phí và lệ phí, kê khai, thu nộp phí và lệ phí, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, quyền và trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí và lệ phí,... Luật phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Phí là gì?
Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ.
Lệ phí là gì?
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước.
Theo như Điều 10 Luật phí và lệ phí 2015 quy định thì có 6 đối tượng (chưa bao gồm các đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật) được miễn, giảm phí và lệ phí; đồng thời, có 3 trường hợp có thẩm quyền miễn, giảm phí và lệ phí cho người khác.
Cụ thể, 6 đối tượng được miễn, giảm phí và lệ phí là:
1. Trẻ em
2. Hộ nghèo
3. Người cao tuổi
4. Người khuyết tật
5. Người có công với cách mạng
6. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, còn có một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật cũng được miễn, giảm phí và lệ phí.
Đồng thời, Luật này quy định rõ thẩm quyền miễn, giảm phí và lệ phí như sau:
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án.
2. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
Pháp lệnh phí và lệ phí 2001 và Pháp lệnh án phí, lệ phí toà án 2009 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/01/2017).