Từ năm 2018 sẽ áp dụng cách tính lương hưu mới. Vậy đóng BHXH theo mức nào?

Theo nội dung Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, từ 01/01/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam.





Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019, mức này tương ứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức hưởng tối đa 75% thì nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ 30 năm.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu đối với người thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, Luật quy định lộ trình áp dụng cách tính lương bình quân theo 5 bước để tiến tới thực hiện tính bình quân chung của cả quá trình đóng BHXH, bảo đảm bình đẳng giữa khu vực trong và ngoài nước. Cụ thể: Tính bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH trước năm 1995; bình quân 6 năm cuối đối với tham gia BHXH từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2000; bình quân 8 năm cuối đối với người tham gia BHXH từ 1/1/2001 đến 31/12/2006; tính bình quân của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người tham gia trong thời gian từ 1/1/2007 đến 31/12/2015; tính bình quân 15 năm cuối từ 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về thời điểm hưởng lương hưu. Cụ thể, đối với người đang đóng BHXH bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu được tính bắt đầu từ tháng liền kề sau tháng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Bà Hồ Thị Thanh Lan (TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Từ năm 2016, tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật về lao động. Vậy các khoản phụ cấp nào không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Hồ Thị Thanh Lan như sau:

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau:

- Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động thì tiền lương ghi trong Hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh;
                                                            
- Phụ cấp lương;

- Các khoản bổ sung khác.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động và Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương; chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương sang thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng, trên cơ sở đó rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thực hiện thủ tục ban hành theo quy định, làm căn cứ tiền lương, đóng BHXH đối với người lao động theo tiền lương mới quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Về BHXH một lần, Luật quy định tăng mức trợ cấp BHXH một lần từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Đối với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Luật đã quy định nhóm lao động nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi từ đủ 50 - 55 tuổi, trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu khi đủ 46 tuổi nhưng phải có đủ 20 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, khi mức lương hưu của nhóm này thấp hơn mức lương cơ sở thì họ sẽ được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở.

Luật BHXH (sửa đổi) lần này cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động từ 01-03 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Đáng chú ý, người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...

Một điểm mới quan trọng của Luật BHXH (sửa đổi) là việc giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.


Author:

Facebook Comment