Tại sao đến giờ này vẫn giữ mãi hình thức giáo dục tại chức?
Phải chăng đó là cái phao cấp cứu cho những người năng lực yếu nhưng vẫn cố không học nghề trung cấp, mà đi đại học để sớm thăng quan tiến chức để rồi khi ra trường họ lãnh đạo những người tốt nghiệp chính quy, mọi người nghĩ xem có phải trái quy luật phát triển cuộc sống không? Hệ tại chức mỗi năm chỉ học đôi ba tháng và chỉ học đôi ba năm là có bằng đại học, trong khi một học sinh muốn vào hệ chính quy phải phấn đấu học tập không ngừng suốt 12 năm và rồi tốn tiền tốn sức đầu tư học 4, 5 năm đại học khi ra trường chưa chắc có việc làm, vô lý quá! Ngày nào BGD còn để hệ tại chức tồn tại thì ngày đó Việt Nam còn thừa thầy (lãnh đạo) thiếu thợ, và lúc đó học sinh không cần phải cố đầu tư cho thi đầu vào đại học chính quy nữa mà cứ từ từ vào trung cấp tìm việc làm rồi có chỗ "trú ngụ" tấm thân rồi đi học tại chức, và về thì lương, bằng cấp ngang nhau không cần phấn đấu, không cần phải học 4 môn để bị mang tiếng!
Đã bao năm tháng trôi qua, thế mà nền giáo dục nước ta vẫn chưa hề phát triển, vẫn chưa hề có khởi sắc. Chúng ta vẫn mang tiếng mang tai là tụt hậu so với các nước năm châu. Giờ thì nền giáo dục
ngày càng không phát triển mà nó còn giảm sút hơn so với trước đây – một sự giảm sút trầm trọng.
Trước đây, vào thời bao cấp, nhà nước quản lý mọi hình thức giáo dục. Đến khi kinh tế khởi sắc, chúng ta mở cửa thị trường thì nền giáo dục mới phát triển thêm một bước là cho thành lập trường dân lập. Thế nhưng, thể loại trường dân lập này cũng chỉ có Việt Nam độc quyền mà thôi vì đây cũng lại là một dạng núp bóng trá hình mà nhà nước có hùn vốn tinh thần.
Thế nhưng, vì sự tự do, phóng khoáng mà các trường đại học, cao đẳng ở nước ta mọc lên không ngừng – như là cỏ dại mọc không ngừng nghỉ vậy. Đột nhiên một ngành cao quý như giáo dục lại trở thành một ngành kinh doanh béo bở với các nhà đầu tư, y như là thị trường chứng khoán. Mà càng sôi động, càng xô bồ thì tệ nạn xã hội lại sinh ra. Để có thể kinh doanh giáo dục hợp pháp, họ đã chạy bằng để làm thầy, chạy bằng để thăng quan tiến chức.
Từ đó mà hệ lụy của cả 1 thế hệ sinh ra: nào là sinh viên thiếu kiến thức chuyên ngành, sinh viên mù ngoại ngữ, sinh viên thiếu kĩ năng ứng xử, sinh viên sai lỗi chính tả và không biết viết đơn. Rõ ràng, đây là một kiểu giáo dục gian dối xuất phát từ những người làm giáo dục gian dối. Gian dối từ việc chạy điểm cho đến giảng dạy chuyên môn sơ sài, gian dối từ việc hợp thức hóa cho học sinh tốt nghiệp mà chưa hề đủ điều kiện.
Tôi xin được gọi đây là “tham nhũng giáo dục”. Một sự tham nhũng mượn danh kiến thức để hành động sai trái và không có phương thuốc chữa trị.
Tại sao sự gian dối ấy vẫn xảy ra?
Vì ai cũng hưởng ứng, giảng viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều có lợi nên họ đều giả điếc, làm ngơ cho qua chuyện. Thái độ dửng dưng vì lợi ích trước mắt đã làm họ quên đi hậu quả lâu dài.
Tôi không tin là quản lý ngành giáo dục vô can trong việc này. Bệnh thành tích, áp lực về chỉ tiêu tốt nghiệp đã làm mờ lương tâm của các vị. Nếu các vị thật lòng không hay biết thì cũng không thể chấp nhận vì năng lực quản lý quá kém.
Không gian dối có lẽ là bài học đạo đức mà các em lớp 2 đã được học. Thế nhưng bài học ấy không được áp dụng, ngược lại người lớn đã dạy các em phải gian dối để mang lại lợi ích cho mình. Sự công bằng trong học tập và thi tuyển đã vứt vào bãi rác từ rất rất lâu rồi. Các cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố diễn ra như một trò hề vì nhiều giáo viên đã biết trước đề và họ dạy cho học sinh mình gian dối đi lấy giải. Đào tạo như vậy, sản phẩm ra trường sẽ méo mó, xã hội không hỗn loạn nhiễu nhương mới lạ. Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện động trời này? Hay là lại đùn đẩy, đổ cho tập thể và cơ chế. Tập thể cũng là con người. Cơ chế cũng do con người làm ra. Nếu không dám xử lý triệt để, mọi nỗ lực cải cách để phát triển xã hội cũng như “gió vào nhà trống”, chỉ là hô khẩu hiệu.
"Đổ cho tập thể hay cơ chế" để lánh nạn; không thống nhất, trong tập thể đó là người nào, cơ chế đó ai chủ xướng, phải làm rõ ra để xử lý đúng người đúng tội, chớ không phải dựa vào đó để trốn tội; không thể để tình trạng "tốt thì tớ hưởng, xấu thì tập thể lãnh". Làm được chuyện này, xem như chúng ta thực hiện được một phần lớn về chủ trương "Tinh giản biên chế" của hệ thống chính trị hiện nay
Giáo dục dối trá sinh ra cả thế hệ dối trá. Không gì có thể phá hoại giống nòi Việt tốt hơn cách này có nước nào mà công trình khoa học thì ít mà quan chức lại lắm tiến sĩ (vốn không được thế giới công nhận bằng cấp tương đương) như ở nước ta? Hãy chấm dứt kiểu giáo dục này. Hãy bắt đầu một nền giáo dục tự do và thực học. Dẹp bỏ tất cả các danh hão. Muộn còn hơn không. Hãy bắt đầu, đừng nói cải cách hay đổi mới gì cả.