HIỆP ĐỊNH TPP - THỜI CƠ HAY THÁCH THỨC?

HIỆP ĐỊNH TPP – THỜI CƠ HAY THÁCH THỨC ?
Việc Việt Nam tham gia Hiếp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TPP) đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng dư luận trong thời gian gần đây, đồng thời cũng chính sự kiện trên đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu Việt Nam sẽ vươn lên phát triển một cách mạnh mẽ hay phải chống chọi với những khó khăn thách thức ?

Hiệp định TPP – cơ hội để “trở mình”
Có thể thấy rằng, TPP sẽ đem lại cho Việt Nam những lợi ích thươngmại hết sức to lớn, không chỉ tác động đến bộ phận lớn các công ty doanh nghiệp mà còn có cả những người dân lao động Việt. Thông qua các Hiệp định thương mại, Việt Nam càng nhanh chóng trở thành một thị trường đầy tiềm năng đối với các công ty doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khi gia nhập TPP càng khiến thị trường Việt Nam trở nên thu hút hơn bao giờ hết. Nếu WTO được tổ chức với một quy mô lớn, khiến Việt Nam phải tốn nhiều thời gian và nổ lực thì TPP trở nên ưu việt hơn hẳn "ông lớn" WTO bởi một phần do số lượng thành viên hạn chế, nhưng phần lớn là do TPP đã thiết lập được các luật quốc tế với phạm vi can thiệp sâu hơn như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động...Khi đó Việt Nam sẽ thu hút số lượng lớn các công ty doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ tăng thêm thu nhập quốc doanh mà còn giải quyết được thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” của Việt Nam hiện nay.



Ngoài ra có thể thấy rằng hiện nay luôn phải chịu một sức ép lớn từ phía Trung Quốc, không những thế tỷ trọng hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ khu vực Đông Á, Trung Quốc, Đài Loan và Asean.... chúng ta sẽ chịu rủi ro lớn nếu nhóm thị trường này biến động xấu, do đó khi đã là thành viên của TPP, Việt Nam không chỉ giảm hẵn sức ép kinh tế từ phía  Trung Quốc mà còn giảm bớt những rủi ro từ phía thị trường Đông Nam Á, Đông Á... Cũng như mở rộng thêm nhiều thị trường tiềm năng ở Châu Âu và Bắc Mỹ như EU, Hoa Kỳ, Canada.
            Bên cạnh những tác động về kinh tế, hiệp định Thương mại TPP vẫn còn nhiều tác động khác, nhất là khả năng tác động tích cực đến cả vấn đề chính trị, nhiều doanh nghiệp Mỹ tin rằng giá trị từ TPP đem lại sẽ thu hút số lượng lớn các nước tham gia, nhất là với Trung Quốc. Khi Trung Quốc đã là thành viên của Hiệp định TPP thì ắt hẵn sự căng thẳng trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ giảm bớt, vấn đề biển Đông hoàn toàn có thể giải quyết theo con đường thương lượng.
Theo nhận định từ phía Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách, có thể mức tăng trưởng GDP đạt 2,1%, chỉ số chứng khoán quay lại thời hoàn kim nhờ vào những tác động từ phía TPP. Sau khi gia nhập WTO, chỉ số chứng khoáng Việt Nam từng có thời kỳ hoàng kim khi tăng trưởng rất mạnh, với hiệp định TPP một khu vực thương mại tự do được hình thành chiếm 40% GDP toàn cầu, qua đó không chỉ có thể khiến nền chứng khoán Việt một lần nữa tăng vọt mà còn giúp Việt Nam hưởng lợi, tăng trưởng GDP có thể lên tới 2,1 %.

Hiệp định TPP – thách thức của thời đại.
            Không thể phủ nhận rằng bên cạnh những lợi ích từ phía TPP, thì Hiệp định thế kỷ này còn có cả những tác động tiêu cực, sẽ tạo nên nhiều thách thức với nền kinh tế Việt nói chung và các công ty doanh nghiệp Việt nói riêng.
            Thứ nhất, khi thực hiện TPP, Việt Nam sẽ gánh chịu bất lợi từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác TPP, bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ cũng tính cạnh tranh cao về môi trường, lao động, sản phẩm...Với số lượng lớn các công ty, doanh nghiệp nước đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra một sự chênh lệch lớn về thế lẫn lực với các công ty trong nước, với trình độ phát triển và khả năng cạnh tranh của hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam thì việc phải đối mặt, cạnh tranh trực tiếp với các công ty doanh nghiệp nước ngoài sẽ là điều vô cùng khó, chưa kể từ sự cạnh tranh trên có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào phá sản, giải thể.
            Thứ hai, với xu hướng “sính ngoại” của người Việt, khi mà hàng tá sản phẩm nước ngoài chất lượng cao, giá rẻ tràn vào còn sản phẩm trong nước lại yếu kém về mặt chất lượng, giá cả thì một thực tế có thể thấy rằng khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” sẽ không còn nhiều nữa, thay vào đó người dân chỉ sử dung hàng từ các nước khác, khiến hàng hóa Việt Nam ế thừa, cung vượt cầu.
            Thứ ba, đây là vấn đề khá quan trọng không chỉ riêng Việt Nam mà còn với cả thế giới. Dẫu Luật Môi trường đã được ban hành nhưng với thực trạng Việt Nam hiện nay, khi mà vấn đề môi trường chưa được chú trọng quan tâm giải quyết thích đáng, nếu TPP đưa hàng loạt công ty xí nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì mức độ ô nhiễm sẽ càng tăng cao hơn, nếu không có phương pháp, kĩ thuật xử lý thích đáng thì vấn đề môi trường tại Việt Nam sẽ “nóng” hơn bao giờ hết.

Hiệp định TPP – nắm giữ thời cơ, vượt qua thách thức.
             Có thể thấy được những lợi, hại từ phía Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương tác động đến Việt Nam, từ đó yêu cầu đặt ra chung nhất thiết phải tuân theo chính là nắm bắt, phát huy một cách hiệu quả nhất những thuận lợi, thời cơ từ phía Hiệp định TPP đem lại cũng như hạn chế, khắc phục tối đa những tiêu cực, bất lợi từ TPP để nhằm đảm bảo đưa Việt Nam vươn lên “trở mình”, phát triển mạnh mẽ cùng thời đại.




Author:

Facebook Comment