Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Những điều phải biết- Phần IV




Như đã được đề cập ở phần trước, phương thức thanh toán là một trong những điều khoản tối quan trọng của một hợp đồng. Vậy ngoài các cách xác định tổng số tiền phải thanh toán, điều khoản này còn gì cần phải lưu ý?


Điều khoản về phương thức thanh toán (tiếp theo)

Trong thực tiễn kinh doanh, thương mại, bên cạnh vấn đề xác định tỷ giá hối đoái thì việc chọn cách thức thanh toán phù hợp cũng là một vấn đề không kém quan trọng. Vậy thế nào được xem là một cách thức thanh toán phù hợp?

Một định nghĩa mang tính chính xác và tổng quát cho một cách thức thanh toán phù hợp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là rất khó để đưa ra. Tuy nhiên, để có được một điều khoản thuận lợi nhất thì chúng ta cần xem xét dựa trên những tiêu chí: quy mô hợp đồng, mối quan hệ thương mai giữa hai bên (các bên là đối tác lâu năm hay mới chỉ là lần đầu tiên giao kết hợp đồng), tập quán thương mại được cả 2 bên thừa nhận. Dựa vào những tiêu chí trên, một trong các phương thức thanh toán phổ biến sau có thể được áp dụng: phương thức tín dụng chứng từ (L/C), phương thức điện chuyển tiền (TT), phương thức nhờ thu. Tại đây, phương thức tín dụng chứng từ được xem là phương thức mang lại hiệu quả nhất trong các hợp đồng thương mại hiện nay.

Tại sao tín dụng chứng từ đang là phương thức tối ưu hiện nay?

Câu trả lời đơn giản đó chính là phương thức này hạn chế được tối đa nhưng rủi ro mà một bên có thể gặp phải trong việc thanh toán. Hay nói cách khác,ở một mức độ nào đó, nó cân bằng quyền và nghĩa vụ của hai bên trong việc thanh toán. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng nếu chúng ta so sánh L/C với các hình thức thanh toán khác. Ở các phương thức thanh toán khác, cán cân lợi ích, dù ít hay nhiều, đều nghiêng hơn về 1 bên người mua hoặc người bán.

Những rủi ro sẽ được hạn chế như thế nào?

Đối với bên bán, vấn đề họ quan tâm nhất chính là việc nhận được thanh toán một cách đầy đủ và đúng hạn đối với số hàng mình đã giao. Khi thực hiện phương thức L/C, người bán sẽ không phải lo lắng về việc người mua sau khi nhận hàng sẽ không thanh toán (vì lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó) bởi lẽ nghĩa vụ thanh toán của người mua lúc này đã được chuyển giao cho ngân hàng- một tổ chức tín dụng. Người bán sẽ được thanh toán nếu họ hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và xuất trình bộ chứng từ phù hợp với L/C

Đối với bên mua, trái lại, họ quan tâm đến việc hàng hóa có được giao trên thực tế như hợp đồng hay không. Với việc ngân hàng đại diện của họ thanh toán và nhận bộ chứng từ hợp lệ, người mua với bộ chứng từ hợp lệ đó trong tay sẽ tiến hành nhận hàng theo hợp đồng. Nói một cách nôm na, cơ chế của L/C chính là việc 1 bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình để có thể được hưởng quyền.

Tuy vậy, trong một số trường hợp tín dụng thư cũng có sự bất lợi của nó. Vậy nên, chúng ta cần xem xét tất cả các tiêu chí được nêu ở trên để có thể thỏa thuận một phương thức thanh toán phù hợp nhất.





Facebook Comment