Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một trong những yếu tố không thể thiếu của nền kinh tế thị trường. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể hiểu nôm na là một hợp đồng mà ở đó 2 bên kí kết có trụ sở thương mại ở 2 quốc gia khác nhau.
Thuật ngữ “hợp đồng mua bán hợp đồng thương mại quốc tế” áp dụng trong Việt Nam khi diễn ra một hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Sự khác biệt giữa trên khía cạnh giữa 2 quốc gia sẽ dẫn đến những tranh chấp không đáng có khi thực hiện hợp đồng. Chính vì lẽ đó, chúng ta luôn cần đảm bảo sự xuất hiện của tất cả các điều khoản sau trong 1 hợp đồng như vậy. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ đề cập đến tầm quan trong của điều khoản về ngôn ngữ và điều khoản giải quyết tranh chấp.
1. Điều khoản về ngôn ngữ.
Khi chúng ta tiến hành kí kết hợp đồng thương mại quốc tế, một thực tiễn xảy ra sẽ có 2 ngôn ngữ của 2 quốc gia cùng diễn tả những điều khoản của hợp đồng. Điều này rất dễ dẫn đến việc hiểu sai ý nghĩa hợp đồng của một trong 2 bên hoặc thẩm chí cả 2 bên. Bởi lẽ, ngôn ngữ của mỗi quốc gia có những cách diễn đạt khác nhau và một cách hiểu cũng khác nhau dù cho chúng cùng diễn đạt một vấn đề. Nhằm mục đích giải quyết được một cách nhanh chóng và rõ ràng những tranh chấp phát sinh từ vấn đề này, việc quy định cụ thể một điều khoản về ngôn ngữ là rất cần thiết. Điều khoản này nên xác định rằng trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì hợp đồng theo ngôn ngữ nào sẽ được chọn làm căn cứ để giải quyết tranh chấp.
Ví dụ: Tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ. Trong hợp đồng có quy định rằng khi tranh chấp phát sinh, bản hợp đồng bằng tiếng Anh sẽ được chọn làm căn cứ để giải quyết tranh chấp. Như vậy, trường hợp này, cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ dựa trên bản hợp đồng bằng tiếng Anh là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ các bên.
2. Điều khoản về tranh chấp.
Tranh chấp là một vấn đề không bên nào mong muốn khi giao kết hợp đồng. Tuy vậy, không phải vì thế mà tranh chấp không được xem là một phần quan trọng của hợp đồng nói riêng và hợp đồng thương mại quốc tế nói chung. Trong trường hợp không có điều khoản thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp, việc xác định cơ quan nào giải quyết tranh chấp sẽ trở nên không rõ ràng và phải áp dụng đến những quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế. Điều này sẽ làm cho quá trình tranh chấp bị kéo dài và thậm chí không đạt được hiệu quả. Vì lẽ đó, việc quy định một điều khoản về phương thức giải quyết tranh chấp là rất cần thiết. Điểu khoản này phải đảm bảo về việc chọn cơ quan nào để giải quyết tranh chấp, hệ thống pháp luật hay tập quán thương mại quốc tế nào để giải quyết.