4 điểm mới đáng chú ý của Bộ luật dân sự sửa đổi

Ngoài việc ghi nhận quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính. Bộ luật dân sự sửa đổi còn có quy định rõ về lãi suất theo thỏa thuận.




Chiều 24/11, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 điều trong dự thảo: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh; Điều 37 về chuyển đổi giới tính (43 ĐBQH không tán thành); Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; Điều 468 về lãi suất.

Điều đó cũng cho thấy tính quan trọng, đáng lưu ý của 4 điều luật này. Đây cũng được xem những điểm mới của Bộ luật dân sự 2015.

Phạm vi điều chỉnh

Theo Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua ngày 24/11 thì chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân. Việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thực hiện thông qua các thành viên hoặc thông qua người đại diện.

Điều 1, Bộ luật dân sự quy định: Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
   
Nhiều quy định mới được thể hiện trong BLDS sửa đổi.

Xác định lại giới tính

Điều 36 Bộ luật dân sự sửa đổi quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Trước khi Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua thì vấn đề xác định lại giới tính được quy định tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP.

Chuyển đổi giới tính

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính.

Tuy nhiên, Bộ luật dân sự sửa đổi đã ghi nhận về quyền này. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Do Bộ luật Dân sự quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật nên phải tới khi Quốc hội ban hành về luật chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện.
Cụ thể, tới ngày 1/1/2017 Bộ luật dân sự sửa đổi mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm đó, Quộc hội vẫn chưa ban hành luật chuyển đổi giới tính thì quyền này của nhiều người vẫn bị “treo” để chờ luật và văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện được.

Lãi suất theo thỏa thuận

Nội dung lãi suất được quy định trong điều 468 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Riêng với các trường hợp cho vay dân sự, nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, thì khi có tranh chấp, lãi suất sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ.

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

Là một trong những điểm đáng lưu ý của Bộ luật dân sự sửa đổi và được quy định tại Điều 420.
Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án : Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bộ luật dân sự sửa đổi cũng chỉ ra 5 điều kiện cơ bản để chứng tỏ hoàn cảnh thay đổi để các bên làm căn cứ áp dụng quy định.

Quy định lãi suất tối đa 20%

Liên quan đến lãi suất (quy định tại Điều 468), ông Lý cho biết qua thảo luận, có ý kiến tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong luật là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Có ý kiến đề nghị sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

UBTVQH tán thành với loại ý kiến đầu tiên và đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về mức lãi suất tối đa. Kết quả 278/366 phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay.

Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến đa số ĐB và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, UBTVQH quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.

Do khoản 1 Điều 468 được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu nên UBTVQH đề nghị QH cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”.

Một số điểm mới

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, BLDS sửa đổi lần này cũng bổ sung một số điều mới về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59). Cụ thể, Điều 23 quy định về năng lực hành vi của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, trong đó chỉnh lý lại quy định về cơ chế giám hộ đối với đối tượng này cho khả thi và phù hợp với mức độ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của nhóm đối tượng này. Cùng với đó, quy định về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được điều chỉnh lại cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn tại các điều 46, 57, 58, 59.


Author:

Facebook Comment