Chuyển đổi giới tính – nhiều hệ lụy khó lường (phần II)

Chuyển đổi giới tính – nhiều hệ lụy khó lường (phần II)


            
Ở phần I tôi đã trình bày 2 vướng mắc cơ bản kể từ sau khi Quốc hội thông qua quyết định cho phép chuyển đổi giới tính, tiếp tục ở phần II là hai vướng mắc khác cũng quan trọng không kém.
            Kết hôn đồng tính nhờ lách luật
            Theo định nghĩa của luật hôn nhân và gia đình 2014 thì kết hôn “là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Còn kết hôn trái pháp luật “là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật HN và GĐ”. Do đó điều kiện để 2 cá nhân có quyền kết hôn, xác lập quan hệ vợ chồng phải là hai người khác giới. Dẫu Hiến pháp 2013 không cấm kết hôn đồng tính nhưng cũng không hề cho phép, đó chỉ là sự lưỡng lự, tuy nhiên sau khi quyết định cho phép chuyển đổi giới tính thông qua một mặt ngầm cho phép kết hôn đồng tính.
            Bởi lẽ các cặp đồng tính có thể sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi giới tính một người để được kết hôn “hợp pháp” một nam – một nữ. Theo luật thì đó là điều hợp pháp, nhưng thực tế đó chỉ là sự luồng lách pháp luật mà thôi, như thế thì cuộc hôn nhân đó có bị cho là trái pháp luật không? Như vậy Tòa án có quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật này theo quy định tại điều 11 Luật HN&GĐ không? cũng như nếu một trong hai cá nhân đề nghị hủy việc kết hôn trái luật thì có được không? cơ sở của việc xác định kết hôn trái pháp luật ở đây là gì: dù bản chất là hai người cùng giới kết hôn nhưng về thủ tục pháp lý đã là hai cá nhân khác giới.
Ngoài ra nếu có việc hủy kết hôn trái pháp luật thì vấn đề chia tài sản sẽ chia thế nào, khoản 2 điều 16 Luật HN&GĐ nhấn mạnh việc chia tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, vậy phụ nữ ở đây là một người nam chuyển giới thì có ưu tiên hay không?
            Nghĩa vụ công dân thực hiện thế nào?
            Không chỉ về quyền lợi mà về nghĩa vụ cũng có nhiều vướng mắc, nổi bật nhất chính là Nghĩa vụ quân sự. Theo quy định tại Điều 12, Luật NVQS 1981 (sửa đổi, bổ sung 2005) quy định công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngủ, lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Vậy nếu một công dân nam chuyển giới sang nữ thì họ có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự không, ngược lại một công dân nữ chuyển giới thì họ có phải thực hiện NVQS không? Nguồn gốc của quy định trên là xuất phát từ đặc điểm thể chất của người nam khỏe hơn so với người nữ, nhưng nếu một người chuyển từ giới nữ sang nam thì bản chất họ vẫn yếu hơn, nếu như bắt họ thực hiện NVQS thì liệu có xác đáng, nhưng nếu bắt công dân nam chuyển giới sang nữ thực hiện NVQS thì liệu có công bằng giới giữa nữ với nữ. Đây là một vướng mắc lớn nhưng cũng là một khe hở pháp luật để các cá nhân có thể trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
            Nhìn lại với quy định mới cho phép chuyển đổi giới tính đã kéo theo nhiều vấn đề pháp lý khác nảy sinh, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, các nhà làm luật phải dự liệu, điều chỉnh cho phù hợp để lắp lại những khe hở pháp luật, phù hợp với yêu cầu xã hội.





Author:

Facebook Comment