Hướng dẫn quyết toán thuế Thu nhập cá nhân 2015 - Phần 1

Hướng dẫn quyết toán thuế Thu nhập cá nhân 2015 - Phần 1

Cứ mỗi dịp cuối kỳ, cuối năm là lại đến lúc tổng kết sổ sách, chi phí thuế các loại, với  số lượng sổ sách lớn, nhiều thủ tục việc quyết toán thuế cuối đợt đã và đang là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các kế toán. Sau đây là chuỗi bài hướng dẫn về việc quyết toán thuế Thu nhập cá nhân 2014, bao gồm: văn bản áp dụng; đối tượng phải làm quyết toán; từ ngày 20/11 cơ quan thuế sẽ lấy thông tin đăng ký thuế khoán của hộ kinh doanh …

1. Văn bản áp dụng:

Đối với thuế TNCN năm 2015 thì việc quyết toán sẽ thực hiện theo các văn bản sau:
- Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân 
- Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về thuế
- Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế
- Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP
- Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế 
- Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế 
- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân …
- Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý ...
- Thông tư 128/2014/TT-BTC hướng dẫn việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế

2. Đối tượng phải thực hiện quyết toán thuế TNCN:

Đối tượng thực hiện quyết toán thuế TNCN bao gồm 2 nhóm: tổ chức, cá nhân trả thu nhập và cá nhân có thu nhập, trong đó:
2.1 Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN sẽ phải làm quyết toán thuế cho phần thu nhập đã chi trả (không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không) và làm quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền (theo điểm c khoản 1 điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Trường hợp không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
2.2 Các cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ phải làm tờ khai quyết toán thuế TNCN nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế/bù trừ thuế trừ trường hợp (theo điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC): 
- Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một đơn vị có thêm thu nhập vãng lai mà bình quân không quá 10 triệu đồng/tháng, đã khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. 
- Phần thu nhập của cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm.
Riêng với các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đã nộp thuế TNCN theo hình thức khoán và nộp theo từng lần phát sinh sẽ không phải làm quyết toán thuế. Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh này thì từ 20/11 đến ngày 15/12 cơ quan thuế sẽ phát tờ khai thuế của năm 2016 để thực hiện kê khai doanh thu tính thuế khoán của năm 2016. 
2.3 NLĐ trong 3 trường hợp sau thì sẽ được ủy quyền cho NSDLĐthực hiện quyết toán thuế TNCN thay cho mình:
- NLĐ chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ và thực tế đang làm việc cho NSDLĐ đó tại thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
- NLĐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ và có thêm thu nhập vãng lai mà bình quân không quá 10 triệu đồng/tháng, đã khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% và không yêu cầu quyết toán phần thu nhập vãng lai này.
- NLĐ được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm NLĐ có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho NLĐ (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho NLĐ.
Giấy ủy quyền quyết toán thuế sẽ thực hiện theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Công văn 7850/CT-TNCN hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2014 thì các trường hợp sau sẽ không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN thay:
- NLĐ thuộc các trường hợp nêu trên nhưng đã được cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN (trừ trường hợp chứng từ khấu trừ thuế đã bị thu hồi và hủy).
- Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%.
- NLĐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).
Trường hợp NLĐ đã ủy quyền quyết toán thuế và NSDLĐ đã quyết toán thay cho cá nhân, nếu phát hiện NLĐ không thuộc diện được ủy quyền thì NSDLĐ không điều chỉnh lại quyết toán mà chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho NLĐ theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để NLĐ trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế. 
(Còn nữa)
Nguồn: ThuKyLuat.vn



Author:

Facebook Comment