TPP tác động đến DN, thị trường thế nào?

Tại cuộc họp báo chiều 9/11, đại diện Bộ Tài chính đã phân tích các tác động của việc tham gia Hiệp định TPP đối với DN, thị trường tiêu dùng và thu ngân sách.

vũ nhữ thắng hiệp định tpp thư viện pháp luật
Ông Vũ Nhữ Thăng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế cho biết các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế.
Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Hoa Kỳ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP.
Như vậy, việc tham gia TPP mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ Nhữ Thăng cũng lưu ý việc các DN tận dụng được cơ hội hay không là việc khác. Để thâm nhập vào 11 thị trường khá “khó tính” của TPP, các DN cần phải nghiên cứu kỹ về tập quán tiêu dùng, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của bạn hàng, đồng thời gắn kết được với chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đối với thị trường trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu cũng mang lại kỳ vọng là người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.
Về áp lực với thu ngân sách của TPP, ông Vũ Nhữ Thăng cho biết Bộ Tài chính đã có đánh giá và nhận thấy có sự đan xen nên tạo ra sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu. Do đó, thu ngân sách từ xuất khẩu có thể giảm ở thị trường này nhưng lại tăng từ thị trường khác.
Thực tế, theo nhận định của Bộ Công Thương, do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xoá bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột.
Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung được cho ngân sách nhà nước.
Nguồn: thuvienphaluat.vn

Author:

Facebook Comment